Thông tin cần biết

Ban vì sự tiến bộ PN  »  Thông tin cần biết


Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3): Người Việt luôn phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc

Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Việc tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc quy mô quốc gia ngay ở lần đầu tiên này góp phần thể hiện những nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân.

Hạnh phúc là mục tiêu không xa lạ

Ông Trần Hướng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, Việt Nam đã có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nên người dân không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nay trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tôn chỉ quốc gia để mọi người dân, Đảng, Nhà nước cùng phấn đến hướng đến chính là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Chính vì thế mà các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta về độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế đều hướng tới mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Việt Nam chọn chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” cho Ngày Quốc tế hạnh phúc lần đầu tiên, có sự kết nối với chủ đề “Kết nối yêu thương” của Năm gia đình Việt Nam 2013. Với chủ đề này, những người tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc mong muốn mọi người dân Việt Nam hãy yêu thương, chia sẻ cùng nhau từ trong mỗi gia đình, dòng tộc. Mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ, những người bạn, đồng chí trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học... bằng những hành động thiết thực nhất cùng góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình, cộng đồng. Đồng thời chung tay phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đến nay, dân số Việt Nam đã chính thức cán mốc 90 triệu người và đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng khi có số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam được dự đoán kéo dài từ 18 đến 20 năm thực sự là “cơ hội vàng” để cải thiện sức khỏe, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai và tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho nhiều gia đình.


images855373_Thumbnails27282013022821

Gia đình hạnh phúc

Ông Trần Hướng Dương cũng cho biết: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc trên quy mô toàn quốc sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng như chủ đề, khẩu hiệu của Việt Nam. Đồng thời, phổ biến sâu rộng các chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ; gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc...

Để mầm hạnh phúc vươn lên mạnh mẽ

Liên hợp quốc chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc bởi đây là ngày đặc biệt trong năm, mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Liên hợp quốc cũng truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Ngày hạnh phúc được lấy ý tưởng của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa miền Đông dãy Himalayas. Vương quốc này được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường chất lượng quản lý của người dân. Vương quốc này cũng đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm 70 của thế kỷ XX.

Trên thế giới hiện cũng có nhiều tổ chức đưa ra cách thức đánh giá hạnh phúc của nhân loại, trong đó có Việt Nam dựa trên nhiều chỉ số. Gần đây nhất, vào cuối năm 2013, kết quả khảo sát “Thế giới hạnh phúc” do Viện Thế giới thuộc Đại học Columbia (Hoa Kỳ) công bố cho thấy Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ 63 trên thế giới trong tổng số 156 quốc gia được khảo sát. So sánh trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau Singapore (hạng 30), Thái Lan (hạng 36) và Malaysia (hạng 56). Khảo sát về mức độ hạnh phúc này được tiến hành dựa trên 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tình trạng cảm xúc tích cực về ngày hôm trước và tình trạng cảm xúc tiêu cực về ngày hôm trước.

Một đánh giá khác của Quỹ Kinh tế mới vào năm 2012 thì Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc (HPI- Happy planet index) trên thế giới. Chỉ số này được đưa ra trên cơ sở đánh giá các yếu tố: mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiện tại, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động tới môi trường. Khái niệm hạnh phúc của chỉ số HPI hướng đến cuộc sống hài hòa với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên chứ không phải đề cao mức thu nhập. Điều này cho thấy, HPI xem yếu tố bảo vệ môi trường chính là điều quan trọng để đánh giá cuộc sống hạnh phúc bền vững của người dân. Bảo vệ môi trường cũng là yếu tố được nhân loại quan tâm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân toàn thế giới như hiện nay...

Đất nước đang trên đà phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân thông qua việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội... Đó là những yếu tố quan trọng làm nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, đủ đầy của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã luôn nỗ lực giành lấy cuộc sống độc lập, tự do cho muôn dân đất Việt để gieo mầm hạnh phúc. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn gìn giữ và tiếp nối truyền thống quý báu ấy với những hành động thiết thực để mầm hạnh phúc ngày càng vươn lên mạnh mẽ...

(Nguồn: Báo lao động Đồng Nai)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,087,372       1/852