Tin tức

Dụng cụ bảo hộ phòng thí nghiệm

     Dụng cụ bảo hộ bao gồm kính, găng tay, áo bảo hộ, khẩu trang, giày, nút bịt lỗ tai... giúp bảo vệ cá nhân khi thao tác và làm việc trong phòng thí nghiệm hay các môi trường làm việc có nguy cơ gây tai nạn cho người lao động.

1. Kính bảo hộ

      Kính bảo hộ được sử dụng để bảo vệ mắt của người thao tác thí nghiệm trước các hóa chất bay hơi, giọt bắn hay các vật thể nhỏ lơ lửng khác trong môi trường.

     Kính bảo hộ cần đạt tiêu chuẩn ANSI Z87.1 (Hoa Kỳ) hay tiêu chuẩn DIN EN 166 (các nước châu Âu) có khả năng chống lại các va chạm vật lý gây có thể gây bể, vỡ; nhiệt độ; sự ăn mòn của hóa chất. Kính cận (hay viễn) thông thường chỉ có khả năng chống lại giọt bắn, do đó cần đeo thêm kính bảo hộ bên ngoài kính cận (hoặc viễn).

Hình 1. Kính bảo hộ trong phòng thí nghiệm 

2. Áo bảo hộ

Các chất hóa học khi tiếp xúc với da có thể ăn mòn, gây phỏng, kích ứng hay để lại các di chứng nặng nề khác trên da. Để giúp ngăn chặn hiệu quả các hóa chất khi văng ra tiếp xúc trực tiếp với các vùng da trên cơ thể, áo bảo hộ nên là áo dài tay và phủ qua đầu gối.

Áo bảo hộ trong các phòng thí nghiệm thông thường là áo blouse trắng. Ở một số phòng thí nghiệm chuyên biệt khác, áo bảo hộ còn được yêu cầu phải đáp ứng khả năng kháng lửa, chống thấm hóa chất

Hình 2. Áo blouse trong phòng thí nghiệm 

3. Găng tay

     Găng tay có tác dụng bảo vệ tay của người thao tác khi làm việc với các hóa chất; dụng cụ bể vỡ; nhiệt độ cao...

     Găng tay cần được lựa chọn cẩn thận, chúng phải có khả năng: chống lại hóa chất; không làm người mang bị mất đi cảm giác, sự khéo léo khi thao tác; không làm tổn thương cho người đeo (găng tay quá chật hay găng tay có chứa các thành phần gây kích ứng cho tay của người thao tác); không làm tăng nguy cơ kẹt vào máy móc, thiết bị (do quá rộng với tay người dùng).

Các lưu ý khác khi sử dụng găng tay:

  • Găng tay cao su được sử dụng phổ biến trong phòng thí nghiệm nhiều năm qua, tuy nhiên khả năng kháng hóa chất của chúng không mạnh và có thể gây dị ứng. Hiện nay, nhiều phòng thí nghiệm sử dụng găng tay nitril - vật liệu kháng hóa chất tốt hơn. 

IMG_256

Hình 3. Găng tay nitril sử dụng trong phòng thí nghiệm 

  • Không sử dụng găng tay đã bị rách hoặc hư hỏng do hóa chất.
  • Nên thường xuyên rửa mặt ngoài găng tay với nước.
  • Khi loại bỏ găng tay, làm theo các bước sau để tránh những chất bên ngoài tiếp xúc với da.

 

Hình 4. Cách loại bỏ găng tay sau khi sử dụng

  • Rửa tay sau khi cởi găng tay.
  • Loại bỏ phần găng dơ, không tái sử dụng găng đã bỏ.
  • Không mang găng dơ ra khỏi phòng thí nghiệm hay sử dụng điện thoại, máy tính khi còn đeo găng tay.

4. Khẩu trang

      Khẩu trang được sử dụng để che phủ mũi và miệng của người thao tác, giúp ngăn hít phải bụi, các giọt bắn, các vật thể lơ lửng khác trong không khí cũng như bảo vệ vùng mặt không bị tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong các trường hợp hóa chất bị văng ra. Khẩu trang thông thường không được thiết kế ngăn khí độc, chất lỏng bay hơi hoặc những phần tử cực nhỏ. 

Khẩu trang chỉ nên được sử dụng một lần.

Hình 5. Khẩu trang phòng thí nghiệm 

Ngoài các trang phục bảo hộ trên, các phòng thí nghiệm có thể yêu cầu sinh viên/nhân viên trang bị thêm giày bảo hộ để bảo vệ chân trước các sự cố dụng cụ bể vỡ, trơn trượt; mũ/nón bảo hộ trùm kín đầu để giữ đầu tóc gọn gàng, vệ sinh, tránh ảnh hưởng đến quá trình thí nghiệm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Georgia Institute of Technology Laboratory Safety Manual, Limited Revision on July 12, 2018 https://www.ehs.gatech.edu/sites/default/files/lab_safety_manual_reviewed-revised_july_12_18.pdf
  2. https://www.ehs.gatech.edu/chemical/lsm/7-6

 

Khoa Dược

Phòng thí nghiệm, Dụng cụ bảo hộ


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        2,293,799       1/806