Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng ta cùng nhìn lại tấm gương tự học ngoại ngữ của Bác Hồ.

Bác Hồ học ngoại ngữ

     Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác Hồ đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó. Ngoài các ngoại ngữ phổ biến như Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Bác Hồ còn thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác như: tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… Vốn ngoại ngữ đó của Bác tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập. Vậy Người đã học ngôn ngữ nước ngoài bằng các phương pháp nào?

     Giáo sư Hoàng Chí Bảo từng xác nhận rằng bác nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng đồng bào dân tộc nước Việt.

Học tiếng Pháp từ người Pháp

 

Thư Nguyễn Ái Quốc gửi Trung ương Đảng cộng sản Pháp tháng 7 năm 1923. (Nguồn tài liệu viết tay, tiếng Pháp, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) 

 

     Ngày 5/6/1911, tại bến cảng nhà Rồng, Người sang Pháp để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân cần phải biết sử dụng thành thạo tiếng Pháp. Vì thế, Bác đặt ra quyết tâm: “Nhất định phải học cho kỳ được”. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, Người vẫn tìm ra phương pháp học ngôn ngữ nước ngoài này. Trên chuyến tàu đó, mỗi lúc rảnh rỗi, Bác đều tìm đến hai người lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Từ đây, Bác đã học từ những thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày như những câu hỏi cái này là gì? đồ vật kia là gì? Bác hỏi họ để được giải thích về ngôn ngữ. Sau đó Bác viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất để tranh thủ vừa làm, vừa học. Có khi Bác viết hẳn vào cánh tay. Tối tối sau khi đi làm về, Bác rửa tay, rồi lại ghi những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

Học tiếng Pháp từ nghề viết báo

     Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Sau mỗi bài báo viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành 2 bản. Một bản Người lưu giữ lại, còn bản kia gửi cho Toà soạn.

     Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết. Bên cạnh đó, Người lại cẩn thận xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình như thế nào. Theo chỉ dẫn của những chủ bút, Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, khi lại viết ngắn lại cho súc tích…

Học tiếng Pháp từ thú vui đọc sách

     Sau mỗi ngày làm việc, Bác lại tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết. Điều đó giúp Bác vừa giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa là tự trau dồi kiến thức. Bác thường tìm đọc những tác phẩm của Tônxtôi để học tập cách viết, cách lập luận. Sau đó Người tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét Bác cũng không nản chí.

     Năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa. Chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán. Tất cả đều do Bác viết. Do Toà soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.

 

Tờ báo Người cùng khổ do Người làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Là “linh hồn” của báo Người cùng khổ, Người đã thực hiện hầu hết các công đoạn làm báo như: viết tin bài; biên tập; trình bày; minh họa, viết mẫu chữ, đưa bài sang nhà in, sửa bài…cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo. Ở nhiều số, không những viết bài mà Người còn vẽ tranh châm biếm để đả kích chế độ thực dân.

Bác Hồ đã học Tiếng Anh như thế nào?

     Biết tiếng Pháp rồi, Bác đã tìm sang đất nước Anh. Đặt chân lên đất nước Anh Bác đã tìm ngay cho mình một công việc để làm.

 

Thư Bác gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Mỹ ngày 27/2/1930

     Thường ngày Bác phải làm từ 8 giờ sáng tới 12 giờ, chiều từ 5 giờ tới 10 giờ đêm. Bác dành dụm để có chút tiền mua sách vở. Phương tiện học duy nhất của Người cũng chỉ có vài quyển vở và một cây bút chì.

Mỗi điểm đến đều là một trường Đại Học

     Sớm chiều Bác ra Vườn hoa Haydơ, nơi có nhiều cây to, cột đèn xưa để tự học. Bác thường ra đó để học “vì ở đó thời tiết thường rất lạnh, nên khi học sẽ không thể buồn ngủ được”. Dành dụm tất cả số tiền kiếm được Bác cùng với vị Giáo sư người Ý học thêm tiếng Anh vào buổi cuối tuần. Bác đã tận dụng mọi nơi, mọi lúc có thể để học tiếng Anh. Rơ-nê-Đi-pét đã viết về Bác trên tờ báo “Phong trào” rằng: “Trên đường đi tìm hiểu thế giới, ở mỗi nơi tàu dừng lại, đối với anh Ba đều là một trường Đại học. Ở đó, anh đã trực tiếp thu lượm được những hiểu biết.”

Học tiếng Anh qua lịch sử đất nước

     Trong thời gian ở London, Bác đã làm nhiều nghề khác nhau để có tiền ăn học. Bác đã dành nhiều thời giờ để nghiên cứu lịch sử thế giới. Bác học tiếng Anh và suy nghĩ về tương lai của các dân tộc thuộc địa. Người thường tìm hiểu nền văn hoá và lịch sử nước Anh, Mỹ. Riêng tài liệu nói về Mỹ của Bác đã lên đến hàng mấy trăm bài. Trong đó có các thể loại khác nhau, đề cập toàn diện và sâu sắc đến nước Mỹ. Với Bác, việc đọc nhiều sách báo của Mỹ, học tiếng Anh để hiểu tường tận hơn thế giới và để lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn…

Học tiếng Nga trên hành trình tìm đường cứu nước

     Năm 1923, Bác rời Pháp sang Nga. Hai ngày sau đó, Bác đã chào hỏi những câu thông thường bằng tiếng Nga. Liền sau đó, Người học tiếng Nga ngay lập tức. Người vừa làm, vừa học. Tranh thủ mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng. Thời kỳ ở Nga (từ năm 1933 đến năm 1938) là thời kỳ Bác có điều kiện trau dồi tiếng Nga hơn cả. Bác vào học trường bổ túc các lãnh tụ do Quốc tế Cộng sản mở. Bác lấy tên là Linốp, giống với tên gọi Nga. Khi viết bài bằng tiếng Pháp để gửi về nước, Bác lại lấy tên là Lin cho hợp với tên gọi Pháp. Bác cũng làm việc ở Viện Nghiên cứu lịch sử phương Đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Bác đã đi nhiều nơi ở nước Nga, đến đâu cũng nói một ít tiếng Nga. Riêng trường "Ngoại ngữ Hồ Chí Minh" ở Iếckút, Bác đã đến thăm mấy lần. Đây là một học viện dạy tiếng nước ngoài của Liên Xô mang tên Bác vào cuối năm 1969 và là trường kết nghĩa với Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhà trường còn giữ lại nhiều kỷ niệm đẹp về Bác. Các đồng chí Liên Xô vẫn còn nhắc lại với lòng xúc động về những buổi gặp Bác xưa kia. Chính tiếng nước ngoài mà Bác đã dùng làm tăng thêm bầu không khí ấm cúng trong tình đoàn kết quốc tế đó.

 

Thư Bác gửi thiếu nhi Liên Xô, năm 1961.  Ảnh: Tư liệu

 

Bác Hồ vẫn học ngoại ngữ khi đã ngoài 70 tuổi

     Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan kể, ai cũng biết Bác Hồ rất giỏi ngoại giữ và biết 9 thứ tiếng. Vào những năm đầu 1960, và khi đó Bác cũng đã cao tuổi nhưng vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ. Ông Vũ Khoan nói cả đời ông chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác.

     “Có lần tôi đến dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, tôi thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy tôi không dám hỏi, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Tôi mới hỏi: ‘Bác vẫn học ạ?’ Bác trả lời vì ít dùng tiếng Nga nên Bác quên mất”, ông Vũ Khoan kể.

     Nguyên Phó thủ tướng cho hay, Bác thường để một mảnh giấy trong hộp thuốc, mỗi mảnh giấy ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi lần mở hộp lấy thuốc Bác lại lẩm nhẩm học từ. Mỗi ngày 10 từ, cứ cho là rơi rụng đi thì mỗi ngày Bác cũng học được 5-7 từ.

     Theo ông Vũ Khoan, Bác Hồ hiểu tiếng Nga rất sâu, nhưng vẫn ôn luyện hàng ngày dù ít dùng. “Bác học hàng ngày… Bây giờ chúng ta cứ nói học theo gương Bác Hồ, nhưng tôi chưa thấy ai học chăm như Bác”, ông nói.

     Cũng theo nguyên Phó thủ tướng, Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh. “Mới đầu nghe nói Bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo lắm. Nhưng lần lên dịch ở Phủ chủ tịch, có nhiều đoàn nước ngoài đến, quay sang đoàn nào Bác nói tiếng nước đó. Khi nghe Bác nói tiếng Anh, tôi mới thấy Bác nói giỏi quá, hay quá”, ông kể.

     Sau đó, đọc lại những lá thư Bác Hồ viết cho Quốc tế cộng sản viết bằng tiếng Anh, ông Vũ Khoan thấy đúng là chữ Bác thật, viết rất chuẩn. Hóa ra tiếng Anh của Bác rất giỏi chứ không như người ta nghĩ Bác chỉ giỏi tiếng Pháp.

 

Bút tích của Người vịnh phong cảnh Thái Hồ khi Người đi công tác qua tỉnh Thái Hồ (Trung Quốc) tháng 5 năm 1961 - Trích tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bút danh và bút tích” - Nxb VHTT - năm 2007

      Nguyên Phó thủ tướng còn cho biết, Bác Hồ nói tiếng Trung Quốc giọng không hay lắm, nhưng Bác lại rất am hiểu ngôn ngữ này do rất thạo tiếng Nho, tiếng Hán. “Bác nói giọng không hay thôi chứ Cụ hiểu lắm, có cần phiên dịch đâu”, ông Khoan kể.

     Theo ông Vũ Khoan, tri thức của Bác rất rộng một phần là nhờ vốn ngoại ngữ. Bác biết nhiều ngoại ngữ, đến nước nào là học ngôn ngữ của nước đó: đến Italia học tiếng Italia, đến Đức học tiếng Đức, đến Anh và Mỹ học tiếng Anh.

     Người có thể nói được rất nhiều thứ tiếng chính là nhờ vào sự rèn luyện không ngừng bằng việc tự học với một tinh thần cầu tiến, cộng với sự khắc khổ và phương pháp đúng, Người đã thành công!

Nguồn: baoquankhu4.com.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,330,839       1/548