Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Sinh viên và tác hại của thuốc lá

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người.

Trong thời gian qua, trên các kênh thông tin đại chúng đã tuyên truyền nhiều về tác hại của hút thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết tác hại của nó đối với sức khoẻ con người. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến không chỉ ở người lớn mà cả trong giới trẻ. Đặc biệt, làn khói thuốc đã len lỏi vào học đường. Mặc dù tác hại về sức khoẻ do hút thuốc lá và khói thuốc gây ra đã được cảnh báo liên tục, nhưng tình trạng hút thuốc ở thanh thiếu niên hiện nay, đặc biệt là sinh viên đang có chiều hướng gia tăng.

Dạo một vòng quanh các tụ điểm vui chơi giải trí, các quán café trên địa bàn thành phố Biên Hòa, không khó để ta có thể nhìn thấy hình ảnh các bạn sinh viên nam tụm 5 tụm 7 phì phèo khói thuốc. Các bạn xem hút thuốc lá như một thú vui, thú tiêu khiển vô hại. Nhưng các bạn đâu biết rằng tương lai của các bạn cũng mờ dần theo khói thuốc. Đốt thuốc, cũng chính là đốt tương lai sức khoẻ của các bạn. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó khoa lao và bệnh phổi - Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội cho biết: “Trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính hay người ta còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được. Ngoài ra, khói thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicôtin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao”.

Hút thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Khói thuốc lá chứa tới hơn 4000 chất hoá học, phần lớn là chất độc hại, trong đó 43 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là 1 chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Một giọt nicôtin có thể đầu độc chết 3 con ngựa nặng từ 180-200kg. Một liều nicôtin khoảng 50-75 ng (tương ứng lượng nicôtin có trong 20-25 điếu thuốc) đủ gây tử vong cho người. Ngoài ra trong thuốc lá còn có côcain dễ gây nghiện, khi hút có thể nó kích thích sự hưng phấn cho người hút nhưng nó lại gây ra tác hại rất lớn. Nó làm thành màng đen bao lấy phổi, hút càng nhiều thì diện tích màng đen càng lớn gây bệnh cho người hút. Không chỉ cá nhân người hút mà hút thuốc thì người gần cũng hít phải khói độc.

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp, bệnh răng lợi và tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính. Đối với nam giới sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh. Đối với phụ nữ và bào thai, làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Đối với trẻ em, dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở sinh viên ngày càng tăng cao là do môi trường. Các bạn thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen không bỏ được.

Các bạn rất dễ dàng mua thuốc lá ở bất cứ chỗ nào tại các thành thị, vùng nông thôn. Vì hệ thống bán hàng và phân phối sản phẩm, đặc biệt là việc bán lẻ ở các quán cà phê, các tiệm và các tủ thuốc lá ở ven đường ngày càng phổ biến. Ngoài ra, pháp luật chỉ buộc nhà sản xuất phải ghi dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ” lên bao thuốc, chứ pháp luật chưa có quy định về độ tuổi bao nhiêu mới được mua thuốc lá và người bán có trách nhiệm từ chối việc bán thuốc cho đối tượng là học sinh. Chính vì thế, để mua được thuốc lá đối với các bạn là không khó.

Thuốc lá - Môi trường có lẽ không liên quan đến nhau nhưng thực ra có liên quan mật thiết đến nhau. Hút thuốc lá, khói thuốc lá làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh khói nhà máy, khói xe cộ... khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Vì những tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ kinh tế, nhân cách, đời sống con người như vậy nên mỗi cá nhân cộng đồng, toàn thế giới cần phải tích cực chống việc hút thuốc lá. Không chỉ là lời nói, khẩu hiệu suông mà ai cũng phải tự ý thức thực hiện bằng hành động. Người người nhắc nhở nhau, nhà nhà nhắc nhở nhau... nếu tất cả cùng đồng tâm hiệp lực không hút - không mua - không bán thuốc lá thì tốt biết mấy.

Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Lúc sinh thời, hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Hồ Chủ Tịch như Bác thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của Hội đồng thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:

- Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này.

Sinh thời, Hồ Chủ Tịch là tấm gương tiêu biểu về nghị lực bỏ thuốc lá.

Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thói quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Pênixilin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành. Anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: “Nhưng hút để có cữ”. Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống còn ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3-1968, nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc trên bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.

Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:

“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân”

Vì vậy, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 2013 (25 - 31.5.2013) chúng ta hãy cùng nhau "nói không với thuốc lá".


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,314,750       1/778