Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản. Đây là bệnh khá phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng. Triệu chứng đặc hiệu của bệnh là chứng ợ nóng. Tuy nhiên, cũng có thể biểu hiện như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện. Bệnh diễn ra lâu dài có thể dẫn đến viêm loét thực quản, có thể gây chảy máu, làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột gọi là Barrett thực quản và biến thành ung thư.

Vì sao dịch trong dạ dày trào ngược vào thực quản?

Có nhiều giả thiết về nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các giả thiết tập trung vào tổ chức có chức năng như cái van ở chỗ nối thực quản và dạ dày. Ở người bị trào ngược dạ dày thực quản thì van này hoạt động không bình thường, áp lực đóng yếu hơn bình thường, van mở vào những thời điểm không phù hợp làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ dàng đi ngược vào thực quản.

Bên cạnh van có chức năng suy yếu, các yếu tố tác động góp phần cho tình trạng trào ngược thêm trầm trọng như béo phì, thoát vị dạ dày qua khe thực quản, thức ăn nằm lâu trong dạ dày, mang thai, hút thuốc lá, rượu bia, một số thức ăn và thuốc…


Siêu âm dạ dày giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh.

Nội soi thực quản - dạ dày giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh

Đây là test nhạy nhất để chẩn đoán viêm thực quản trào ngược, Cung cấp chẩn đoán chính xác nhất đối với các sang thương niêm mạc khác như viêm thực quản nhiễm khuẩn, loét dạ dày - tá tràng, các bệnh lý ác tính hay các bệnh khác của đường tiêu hóa mà khó phân biệt với trào ngược nếu chỉ dựa vào bệnh sử. Điều này quan trọng trong việc chọn lựa cách điều trị cho bệnh lý này, đồng thời cũng là phương pháp nhạy nhất để chẩn đoán bệnh thực quản Barrett, phát hiện và điều trị hẹp thực quản do loét.

Phòng tránh thế nào?

Trào ngược dạ dày thực quản là một rối loạn mạn tính, việc quan trọng là giáo dục bệnh nhân để sửa đổi lối sống và thói quen có thể giúp cải thiện bệnh mang lại kết quả điều trị lâu dài.

Cần thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga. Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một loại làm cho trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm do có chứa thành phần axit nhiều như cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me. Nên ăn sữa chua và các thực phẩm giàu chất xơ như đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso... tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.

Không ăn bữa ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa, ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Tránh bữa ăn trễ và ăn nhiều. Tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn và mặc đồ quá chật ngay sau bữa ăn.

Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngưng các thuốc kích thích dạ dày.

Người bệnh được cho sử dụng các loại thuốc tăng cường co thắt cơ vòng thực quản, thuốc làm dạ dày mau trống, thuốc làm giảm axit dạ dày, thuốc kháng axit dạ dày. Phẫu thuật thường dành cho các trường hợp viêm loét thực quản nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc, có kèm theo thoát vị qua khe thực quản.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,614,095       2/907