Tin tức

Không thể bẻ cong sự thật về Trường Sa - Hoàng Sa!

Tài liệu lịch sử Trung Quốc: không chính thống

Điều dễ nhận thấy là những sử liệu mà các học giả Trung Quốc như Tề Tân (1974 - Thất thập niên đại nguyệt san), Tô Độc Sử (1992 - Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu quí san) dựa vào để chứng minh và đi đến kết luận về chủ quyền trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là các nguồn tài liệu không phải chính sử, hoặc nếu có rải rác đôi câu thì chúng lại nằm ở phần truyện các nhân vật, như trong Nguyên sử, ở truyện Sử Bật (tuy nhiên chi tiết về quần đảo Tây Sa bị hiểu nhầm sang quần đảo Trung Sa).

 

Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier, có chữ quốc ngữ). Bãi cát vàng trên bản đồ tức là Hoàng Sa - Ảnh tư liệu. Nguồn: Tuổi Trẻ

 

Lẽ ra các ghi chép để xác định chủ quyền phải nằm ở các mục Địa lý chí (hoặc tương đương) trong các bộ chính sử. Điều chúng tôi lưu ý là Trung Quốc vốn là nơi có truyền thống sử học lâu đời, các biên chép về lịch sử, địa dư luôn liên tục, nhưng trong Nhị thập tứ sử (bộ chính sử được tất cả các triều đại Trung Quốc thừa nhận) tức từ Sử ký ghi chép từ Thượng cổ đến Tần, Hán, cho đến Minh sử; và Thanh sử cảo soạn thời Dân Quốc, ở các mục Địa lý chí đều không đề cập các hòn đảo ở xa hơn đất Nhai Châu, Quỳnh Châu, tức Hải Nam ngày nay. Trong khi ở VN, mặc dù sử liệu có muộn hơn nhưng hầu hết đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử quán nhận chỉ dụ từ triều đình tổ chức biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục...

Mặt khác, xem trong Quỳnh Châu phủ chí (tức tương đương Hải Nam tỉnh chí ngày nay) do Quận thú Tiêu Khánh Thực tổ chức biên soạn vào năm Càn Long thứ 39 (1774), trong quyển 3, phần Dư địa chí, mục Cương vực, thấy chép: "... nam tắc Chiêm Thành; tây tắc Chân Lạp, Giao Chỉ; đông tắc Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc tiếp Lôi Châu phủ Từ Văn huyện" (nam là Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc giáp huyện Từ Văn, phủ Lôi Châu). Đoạn văn hành chính về tứ cận này cho thấy Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường (tức Tây Sa và Nam Sa theo cách nghĩ và gọi của Trung Quốc ngày nay) còn là một nơi chưa rõ chủ quyền và ngoài lãnh hải Trung Quốc.

Nên lưu ý rằng ngoài Nhị thập tứ sử, các Thông chí của các tỉnh, phủ, huyện đều là những nguồn tài liệu chính thống và luôn có giá trị tối ưu trong việc trích dẫn và sử dụng đối với các vấn đề lịch sử (sử liệu từ Quỳnh Châu Phủ Chí này, tôi chưa thấy các nhà nghiên cứu Trung Quốc và VN sử dụng).

Địa dư, địa đồ khẳng định Tây Sa, Nam Sa nằm ngoài Trung Quốc. Quân đồn trú Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng chụp lại. Nguồn: Tuổi Trẻ

Theo Cổ kim đồ thư tập thành, bộ bách khoa thư gồm 1 vạn quyển do Thanh triều tổ chức biên soạn, hoàn thành năm Khang Hi thứ 45 (1706), phần Chức Phương điển (sách điển chế về địa đồ các đơn vị hành chính) quyển thứ nhất, các địa đồ số 1, 157, 167 tức Chức Phương tổng bộ đồ, Quảng Đông cương vực đồ, Quỳnh Châu phủ cương vực đồ đều không thấy ghi nhận các quần đảo xa hơn Hải Nam ngày nay.

Mặt khác, xem trong Quảng Đông lịch sử địa đồ tập (Quảng Đông tỉnh, Địa đồ xuất bản xã - 1995) khi trích in lại địa đồ từ sách Quảng Đông thông chí vẽ đời Minh Gia Tĩnh (1522 - 1566) phần hải đảo chỉ đến Quỳnh Châu (tức Hải Nam). Xin lưu ý rằng bức địa đồ này được vẽ sau khi Trịnh Hòa hạ Tây Dương lần cuối cùng (1421) đến 100 năm. Trong 100 năm ấy, Minh triều không đủ thời gian và điều kiện để xác lập chủ quyền (dù chỉ trên bản đồ) đối với các nơi mà họ đã đầu tư thám hiểm ư?


Hầu hết các chi tiết có liên quan đến tên gọi Tây Sa và Nam Sa ngày nay mà địa danh lịch sử được các nhà nghiên cứu Trung Quốc dẫn dụng và qui kết mơ hồ như Thất Châu Dương, Thất Lý Dương, Trướng Hải, Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường... đều được trích thải từ các sách mà ngay tên sách đã để lộ rõ ý rằng: Sách biên chép về các nước khác, như Giao Chỉ dị vật chí của Dương Phu (Đông Hán); Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (Tam Quốc); Phù Nam truyện của Khang Thái (Tam Quốc); Chư Phiên chí của Triệu Nhữ Quát (Tống); Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên (Thanh)...


Các địa đồ hành chính Trung Quốc từ thời Dân Quốc trở về trước không hề có các quần đảo xa hơn Quỳnh Châu (Hải Nam). Vào thời nhà Thanh, các quan lại Trung Quốc dùng câu hải giác thiên nhai (chân trời góc biển) để chỉ trấn Tam Á, huyện Nhai tức là đất cực nam tỉnh Hải Nam ngày nay (theo Địa lý song khẩu - Đương Án xuất bản xã - 1988). Như vậy trong khái niệm của giới cầm quyền địa phương (Quỳnh Châu) và cả trên phương diện pháp lý, các quần đảo mà Trung Quốc nay xác lập chủ quyền thật sự chưa hề có một quá trình lịch sử như các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây lập luận một cách gượng ép.

Từ việc xử lý sử liệu một cách không trung thực và thiếu khoa học, dẫn đến sự không nhất quán về bối cảnh, thời gian và không gian mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa Chính phủ nước họ đến tình trạng đặt để tên gọi các quần đảo ở biển Đông rất không trật tự. Quan sát bản đồ Trung Quốc hiện nay có thể đặt một câu hỏi rằng: các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa được xác định dựa trên hệ qui chiếu nào so với lục địa?

Nếu lấy Bắc Kinh làm trung tâm thì Tây Sa phải ở hướng Tân Cương, Tây Tạng hoặc Vân Nam. Nếu lấy tỉnh lỵ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông làm trung tâm, thì cả Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa đều chỉ dọc về hướng nam, làm sao chính danh được? Còn như muốn lấy Trung Sa làm trung tâm đúng như tên gọi của nó, thì quần đảo Đông Sa phải gọi là Bắc Sa mới phải vì nó nằm ở hướng bắc so với Trung Sa.

Về phương diện sử liệu, các học giả Trung Quốc ngày nay đã để lại quá nhiều tồn nghi do cố tình sử dụng sai phương pháp sử học hiện đại. Sử liệu địa dư, phương chí và địa đồ cổ trong kho tàng văn hiến Trung Quốc tính đến cuối đời Thanh chưa từng thể hiện sự xác nhận chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông ngoài Hải Nam. Trong khi đó, từ đời nhà Lê của VN, địa đồ chính thống Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thời Hồng Đức đã xác định sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa. Và Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ khoảng năm 1834 (thời Minh Mệnh) đã ghi nhận các quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc VN.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân

Lời bình : Dã tâm Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Viêt Nam đã rõ. Hỡi các bạn thanh niên sinh viên Việt Nam thân mến, Trung Quốc là một nước lớn, nếu đứng ra tranh chấp, đánh nhau trực tiếp với chúng thì tất nhiên chúng ta sẽ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm cho Trung Quốc biết Việt Nam là ai như ông cha ta trước đây đã làm, theo tôi, có một số đề nghị sau :

1. Hãy nhanh chóng học tập, có ý thức xây dựng đất nước về kinh tế, ổn định về chính trị, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có sự phát triển cao nhất thế giới. Làm sao cho nền kinh tế của chúng ta có thể chi phối được nền kinh tế thế giới. Điều này rất khó, nhưng với sự cố gắng của các bạn, chúng ta vẫn có thể làm được như Nhật, Hàn Quốc, Đức đã từng làm sau chiến tranh thế giới thứ 2.
2. Hãy cùng nhau tẩy chay hàng Trung Quốc, để sao cho hàng của chúng không thể bán được trên đất nước mà chúng chiếm đất.
3. Hãy cùng nhau nhau góp tiếng nói, mọi lúc, mọi nơi. Hãy nhắc nhở nhau không bao giờ quên là chúng ta đã từng chịu hơn 1000 năm đô hộ của giặc Tàu, và bây giờ chúng còn đang chiếm Hoàng Sa và đang có dã tâm chiếm luôn cả Trường Sa.
4. Hãy cùng nhau tẩy chay phim Trung Quốc vì chúng đang có dã tâm đồng hóa dân chúng ta bằng những phim ảnh của chúng, làm chúng ta quên đi lịch sử của chính chúng ta, một lịch sử oai hùng với hơn 1000 năm chống giặc Tàu, 100 năm chống giặc Pháp và 20 năm chống giặc Mỹ.
5. Hãy nhớ đến những câu thơ của Cao Bá Quát: "Trót sinh ra đời phải có chi chi ; Chẳng lẽ trơn lưng 3 vạn sáu; Đố kị xá chi con tạo; Nợ tang bồng quyết trả cho xong"

TVT

Tuổi trẻ

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,534,045       5/779